Ai đã từng sinh ra và lớn lên từ miền quê hẳn sẽ đi qua tuổi thơ bằng những ngọt ngào của dòng sông quê mẹ, bằng mùi thơm ngái của cánh đồng mùa ải, bằng những mặn chát, cay nồng của bát muối ớt chấm với quả dại. Chả biết từ đâu mà người ta đặt tên rồi gọi là zái mít.
Zái mít mọc ra từ thân mít nhưng không phát triển thành quả. Khi còn non zái mít chỉ là một cục xanh lè. Zái mít cũng chín, khi chín zái chuyển sang màu vàng nâu, phủ đầy lớp phấn trắng li ti và có mùi thơm nhẹ (nhưng không phải mùi của quả mít chín).
Mỗi độ tháng ba về, trời lành lạnh, mưa xuân lất phất là zái chín rộ nhất. Ấy là khi lũ trẻ trốn nhà rủ nhau đi kiếm zái mít về ăn. Chỉ nghe tiếng ríu rít, thì thào ngoài đầu ngõ là người lớn phải canh chừng. Vì chúng không chỉ lấy zái mà biết đâu có đứa láo cá là bẻ luôn cả quả mít non (quả mít non ăn ngon hơn zái, đỡ chát hơn).
Bẻ một zái, quyệt mấy cái vào vạt áo cho hết lớp phấn bên ngoài, chấm vào bát muối ớt, cắn một miếng… chát lịm!. Hạt muối tan quện vào lưỡi cùng vị cay xè của ớt khiến nước trong miệng trào ra, trào ra như để nuốt trôi miếng zái chát nghẹn. Không đứa nào khen ngon. Nhưng tất cả đều hỉ hả với chiến lợi phẩm vừa thu được.
Năm qua đi, tháng qua đi. Con người mỗi lớn. Cây trong trong vườn vẫn còn đó, nhiều lên, mà người thì đã đi xa, đời sống khác đi. Không mấy ai còn nhớ tới cây mít vẫn quả non, vẫn zái – rơi đầy gốc – như tuổi thơ mỗi người đã đánh rơi, còn in dấu vết chân non.
Rồi một ngày tìm về ta bỗng thấy tuổi thơ mình đánh rơi đâu đó – dưới gốc mít già.
Zái mít, ai đã ăn và có nhớ…?
[BLOGGER]