TỰ SỰ MCP

MCP (Microsoft Certified Professional) là chứng chỉ được nhiều người thi nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Bài viết này là lời tâm sự của danh hiệu này.

logo_mcp

Thế là đã tròn 13 năm, kể từ ngày mình oa oa khóc tiếng đầu đời. Đối với con người, 13 tuổi chỉ kịp đủ để vượt qua ngưỡng “con nít”, nhưng với mình ngần ấy năm đã là một khoảng thời gian dài nhiều biến cố và đã khá trưởng thành. Nhờ có “mẹ” là Microsoft nên mình có được sự khởi đầu khá thuận lợi, đồng thời càng về sau càng được phổ biến rộng rãi. Hiện nay, đã có hơn 1.6 triệu người sở hữu mình trên toàn thế giới. Và trong giới IT, không ai mà không biết tên mình cả.

Nhớ lại những ngày đầu mới ra mắt, mình chỉ có nhiều anh chị em và bè bạn như bây giờ. Ngày đó mình nhớ chỉ có anh MCSE (Microsoft Certified Systems Engineer) và anh MCT (Microsoft Certified Trainer) cùng với người bạn MCPS (Microsoft Certified Product Specialist) mà thôi. Tất cả bọn mình ngày đó đều tập trung vào lĩnh vực hệ thống và mạng. Mãi 3 năm sau, năm 1995, mình mới có thêm ông anh là MCSD (Microsoft Certified Solution Developer) chuyên về lập trình.

Mình du nhập vào Việt Nam vào khoảng năm 1997-1998. Đó cũng là thời điểm mình có thêm mấy người “bà con”: MCP+I nè, rồi MCSE+I nè và sau còn có MCP+SB nữa. Chữ I sau dấu cộng tức là Internet, nghĩa là chứng chỉ có thêm kiến thức về Internet. Còn chữ SB là viết tắt của Site Building, thiên về xây dựng website. Tuy nhiên, những người bà con này chỉ gắn với công nghệ Windows NT Server 4, sau này khi chuyển sang công nghệ mới thì họ xem như hoàn thành sứ mạng, không tung hoành trên chốn giang hồ nữa.

Năm 1999, mình bắt đầu có “bà chị” trong lĩnh vực cơ sở dữ liệu (CSDL) là MCDBA (Mcirosoft Certified Database Administrator). Giữa năm đó, trên toàn cầu chỉ mới có khoảng nửa triệu người có tên trong danh sách của mình.

Thế nhưng, chỉ hơn 1 năm sau, cuối năm 2000, số người sở hữu mình đã tăng gấp đôi, lên đến con số 1 triệu. Cũng trong năm này, các thí sinh đều được yêu cầu phải nâng cấp lên công nghệ Windows 2000, tạo nên một áp lực khá căng. Về sau này, bà mẹ Microsoft mới nới tay, công nhận sự tồn tại song song của MCP, MCSE thuộc những công nghệ khác nhau (nhưng tất nhiên chỉ công nhận người cũ thôi, còn người mới phải thi công nghệ mới). Hiện nay, đa số các thí sinh đều nhắm vào công nghệ tiên tiến là Windows 2003. Nhưng mình tin rằng, mình sắp được “lên đời” nữa rồi.

Sang năm 2001, do nhu cầu phân khúc về lao động và chuyên môn, bà mẹ Microsoft sinh ra thêm một ông anh MCSA, nằm giữa mình và anh MCSE. Chữ SA là Systems Administrator, đây là cấp độ quản trị và vận hành hệ thống mạng. Còn ông anh cả MCSE là cấp độ thiết kế, lập kế hoạch, cao hơn một bậc. Muốn “lấy” được mình, chỉ cần thi một môn là đủ, còn muốn đạt được anh MCSA phải qua 4 môn. Anh cả MCSE thì cao giá lắm, đòi “của hồi môn” đến 6-7 môn tùy theo công nghệ.

Về hướng lập trình, một năm sau cũng có ông anh “trung gian” giữa mình và MCSD. Đó là MCAD (Microsoft Certified Application Developer). Tất nhiên, thế giới cần nhiều lập trình viên phát triển ứng dụng hơn là những chuyên gia thiết kế giải pháp phần mềm. Như vậy, cả hai hướng hệ thống (mạng) và lập trình đều phân cấp theo kiểu kim tự tháp. Riêng nhánh về CSDL vẫn chỉ có mình chị MCDBA mà thôi. Gần đây, còn có anh MCDST về kỹ thuật máy đơn nữa.

Hiện giờ, hai ông anh MCSA và MCSE đều có thêm những “ruột thịt” khác, gọi là chứng chỉ chuyên biệt (specialization). Đó là MCSA: Messaging và MCSA: Security, cấp MCSE cũng thế. Không chỉ phân nhánh chuyên sâu như vậy, mà thí sinh còn được chọn công nghệ Windows 2000 hay 2003 để thi.

Những chuyên viên IT nào muốn “cưới” được mình, muốn có chứng chỉ mang chữ ký của chính Bill Gates, thì nên vào trang www.microsoft.com, phần Learning để xem chi tiết hơn. Mình mong sớm thuộc về các bạn, nhé!

Nguồn: Tạp chí eChip

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *