Giải mã MCSA (phần 2)

Phạm vi kiến thức của MCSA

Căn cứ theo website của Microsoft, chứng chỉ MCSA dành cho “dân máy tính chuyên nghiệp” trong môi trường máy tính tương đối phức tạp của những công ty vừa và lớn. Cụ thể hơn, thí sinh đi thi MCSA nên có từ 6 tháng đến 12 tháng kinh nghiệm quản lý hệ điều hành máy chủ (mạng) và hệ điều hành máy trạm, với những đặc tính như:

  • Có từ 250 đến 5000 người sử dụng
  • Có từ ba địa điểm trở lên
  • Có từ ba domain controllers trở lên (nôm na giống như có từ ba mạng logic trở lên)
  • Có các tài nguyên và dịch vụ trên mạng, như thư tín (email), cơ sở dữ liệu, chia sẻ máy in, tường lửa, dùng chung Internet, truy cập từ xa,…
  • Có các yêu cầu về nối kết, như người dùng truy cập từ xa vào mạng, mạng nội bộ nối với Internet,…

Như vậy, chúng ta thấy có một số yếu tố vượt quá nhu cầu thực tế của các mạng tại Việt Nam. Nói cách khác, kiến thức và kỹ năng của MCSA là “hơi dư thừa” với đa số mạng máy tính tại các doanh nghiệp ở nước ta. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là chúng ta phải học một vài phần qua mô hình mô phỏng, nghiên cứu qua tài liệu sách vở, chứ không đủ điều kiện để “luyện tay nghề” mọi thứ được học (may mắn là điều này không hạn chế người Việt Nam học và thi đậu MCSA).

Nếu các bạn chưa hề có kinh nghiệm về mạng máy tính, liệu có thể học MCSA từ đầu được không? Câu trả lời là: hoàn toàn trong tầm tay. Tuy nhiên, bạn sẽ khó đủ sức theo học những khóa theo đúng chuẩn Microsoft (khoảng 30 giờ tức 5 ngày liên tục cho một môn) vì chúng được thiết kế cho “dân chuyên nghiệp”. Bạn nên theo học các khóa học được kéo dãn ra, nhằm giúp chúng ta đủ thời gian “tiêu hóa” lượng kiến thức lớn và thực tập các kỹ năng. Hầu hết các khóa học hiện nay tại Hà Nội và T.P. Hồ Chí Minh đều theo hình thức này.

Nhưng cũng cần lưu ý, việc học tập có thể giúp bạn trang bị những kiến thức tương đương như một người có kinh nghiệm, nhưng không có chương trình đào tạo nào giúp bạn có được những “trải nghiệm” thực tế (dự đoán và xử lý hỏng hóc, áp lực thời gian, làm việc nhóm,..). Các khóa học tốt chỉ có thể rút ngắn khoảng cách giữa sách vở và thực tiễn mà thôi. Nếu bạn học và thi đậu MCSA, là một nền tảng thuận lợi để làm việc, nhưng không có nghĩa là bạn đã “thông thạo” mọi điều về quản trị mạng Microsoft.

Những điều cần lưu ý

Điều đầu tiên bạn cần nắm rõ là chuyện tự học. Vì nội dung học MCSA có khá nhiều kiến thức và kỹ năng đòi hỏi quá trình thực tập phải có nhiều máy để nối mạng, phải có đường truyền Internet, phải có hệ thống truy cập từ xa,… cho nên bạn hầu như rất khó tự học tại nhà chỉ với một máy tính (Nếu bạn luyện thi chỉ nhằm để đậu thì cũng chưa chắc làm việc được). Ngược lại, khi theo học bất kỳ khóa nào, bạn cũng phải tự học (đọc sách và luyện tập) thật nhiều, nếu không bạn sẽ không hấp thụ hết lượng kiến thức được chuyển tải.

Một điều cần nhớ khác, đó là chứng chỉ MCSA gắn liền với công nghệ cụ thể (ví dụ Windows Server 2003). Khi Microsoft đưa ra công nghệ mới, bạn phải.. tiếp tục cập nhật để tồn tại. Mặc dù chứng chỉ MCSA không bị “hết hạn”, nhưng nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu bạn đưa “transcript” (bản mô tả chi tiết về kết quả thi) để biết chắc bạn thông thạo công nghệ nào.

Đối với Microsoft, xem như bạn đã khá rành về hệ thống máy đơn, và cũng đã có chút kinh nghiệm về mạng nội bộ trước khi bắt đầu học về MCSA. Cho nên nếu bạn thiếu kiến thức đó, phải đảm bảo tự bạn hoặc nơi đào tạo phải trang bị phần kiến thức nền ấy. Ngoài ra, bạn cũng phải có khả năng đọc được tài liệu bằng tiếng Anh. Vài nơi yêu cầu chứng chỉ A hoặc B quốc gia, nhưng thật ra cũng không hoàn toàn chính xác, quan trọng nhất là khả năng đọc hiểu.

Hy vọng sẽ sớm có thêm nhiều MCSA để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về quản trị mạng.

get-mcsa

Nguồn : bangcapquocte.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *