Tại sao càng lớn càng khó học ngoại ngữ mới?

Không ít người từng trải qua cảm giác không thể nào tiếp thu được khi muốn học một ngôn ngữ mới. Nguyên nhân có thể nằm ngay chính trong cơ chế hoạt động của bộ não.

Tiến sĩ Matt Leonard, chuyên ngành phẫu thuật thần kinh tại Đại học California (Mỹ), cùng nhóm nghiên cứu đã xem xét vỏ não của một số tình nguyện viên mắc bệnh động kinh, những người có đặt điện cực trong não để hỗ trợ điều trị. Nhóm nghiên cứu được họ cho phép quan sát các tín hiệu từ những điện cực này. Kế đó, tiến sĩ Matt Leonard cùng các cộng sự cho các tình nguyện viên có ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Anh làm quen với tiếng Hoa. Họ được yêu cầu phân biệt một số thanh âm trong một vài từ vựng lần đầu tiên nghe thấy.

Lúc đầu, hầu hết các tình nguyện viên đều vượt qua thử thách xác định đúng các âm mới. Tuy nhiên độ chính xác không tăng lên theo thời gian, ngược lại dao động thất thường. Xem xét các tín hiệu vỏ não, nhóm nghiên cứu nhận thấy có những khu vực tế bào thần kinh hào hứng tiếp nhận thông tin mới khi học ngôn ngữ, trái lại một số vùng hầu như không có động tĩnh gì. Mức độ đối lập của hai trạng thái càng ít, khả năng nhanh nhạy trong các bài tập thí nghiệm càng cao.

 hoc-ngoai-ngu

Tiến sĩ Matt Leonard trong nghiên cứu – (Ảnh: Susan Merrell)

Điều này phần nào lý giải tại sao một số người tiếp thu âm thanh ngôn ngữ mới dễ dàng hơn nhiều so với những người khác. Tiến sĩ Matt Leonard giải thích: “hoạt động của tế bào não có thể được chia thành hai đặc tính: tính mềm dẻo và tính ổn định. Tính mềm dẻo thể hiện khả năng thay đổi của não bộ, khi thu được thông tin mới, chúng sẽ hình thành các kết nối mới giữa các nơron. Ngược lại, tính ổn định giúp não cứ giữ lấy những gì đã học, đã biết”. Trẻ nhỏ thường có tính mềm dẻo cao, giúp hình thành các kết nối thần kinh khi học những điều mới mẻ. Khi một người càng lớn, những kết nối mới giữa các nơron sẽ giảm, vì vậy tính mềm dẻo của não cũng bớt đáng kể.

 hoc-ngoai-ngu-1

Học ngoại ngữ luôn là thách thức với nhiều người, đặc biệt khi lớn tuổi

Matt Leonard cho rằng theo thời gian, bộ não sẽ ưu tiên tính ổn định. Về cơ bản, bộ não có xu hướng giữ lại những thứ quan trọng đã nằm trong túi hiểu biết của chúng ta hơn là tiếp nhận những thứ mới. Tương tự với khi học ngôn ngữ, não thường chuộng giữ lại tiếng mẹ đẻ thay vì dung nạp thêm những loại ngôn ngữ mới. Càng già đi, xu hướng này càng gia tăng. Vì vậy, theo tiến sĩ Matt Leonard, nỗ lực là điều cần thiết. Ngoài ra, những người có mong muốn học thêm một ngoại ngữ cần biết cách tạo môi trường để có thể tiếp xúc với những thứ tiếng mới thường xuyên, từ đó vượt qua được tính ổn định sẵn có ở não bộ.